Xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, thảm họa

20/12/2024 09:54:00 AM
+Aa-
0:00
MicrophoneNữ miền Nam

Xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, thảm họa

Có thể nói, chưa bao giờ nhân loại phải đối phó với nhiều mối hiểm họa, thách thức như hiện nay, bên cạnh những nguy cơ về an ninh truyền thống là các hiểm họa của an ninh phi truyền thống, nổi lên là thảm họa do thiên tai, sự cố môi trường gây nên. Để ứng phó, đòi hỏi các nước phải mở rộng hợp tác, chia sẻ thông tin, cùng phối hợp giải quyết nhằm giảm thiểu thiệt hại là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách của các quốc gia. Đối với nước ta, việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa do thiên tai luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có một cơ quan chiến lược ngang tầm, làm tốt chức năng tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng, kịp thời đề nghị hỗ trợ quốc tế về cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thảm họa cũng như khi tham gia cứu nạn, cứu hộ các sự cố, thảm họa tại các quốc gia khi được yêu cầu. Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết đó, trong những năm qua, thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07) đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, đề xuất Chính phủ triển khai có hiệu quả nội dung quản lý nhà nước về PCCC và công tác hợp tác quốc tế (Điều 57 Luật PCCC năm 2001); tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo, đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 05/02/2015, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Trong đó, đã xác định cần “ tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn về PCCC và CNCH; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư tiếp tục xác định “thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới trong PCCC và CNCH với các nước”. Từ những định hướng quan trọng trên, thời gian qua C07 đã tích cực phối hợp tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cử nhiều đoàn công tác đi thăm và làm việc tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng như đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Thông qua công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tập trung đẩy mạnh và đạt kết quả cụ thể như: (1) Trao đổi kinh nghiệm trong công tác PCCC và CNCH, (2) Tìm kiếm, huy động và triển khai các dự án vốn vay ưu đãi; tiếp nhận các nguồn phương tiện PCCC và CNCH đã qua sử dụng của các nước tiên tiến (Nhật Bản, Hàn Quốc) nhưng còn chất lượng tốt, (3) Cử cán bộ tham gia tập huấn kỹ năng và tham dự các hội thi quốc tế về công tác chữa cháy và CNCH, (4) Bố trí đoàn cán bộ kịp thời tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ thảm họa do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến hiện nay, C07 đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC và CNCH của 05 quốc gia (Liên bang Nga, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary); hợp tác với với 04 tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực PCCC và CNCH (Viện PCCC Hàn Quốc, Viện PCCC Nhật Bản, Hiệp hội thiết bị PCCC Nhật Bản, Tập đoàn UL - Hoa Kỳ…); trong hợp tác đa phương, hiện C07 là thành viên của Hội đồng kiểm định phương tiện PCCC Châu Á (AFIC) và Hiệp hội lãnh đạo PCCC Châu Á (IFCAA). Trong lĩnh vực PCCC và CNCH, hiện Bộ Công an đã ký 02 văn bản hợp tác với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga; C07 đã ký văn bản hợp tác với Lực lượng Phòng vệ dân sự Singapore (SCDF), Viện PCCC Hàn Quốc (KFI), Tổng cục PCCC và Quản lý thiên tai Hungary, Tập đoàn UL của Hoa Kỳ (UL), cụ thể: Phối hợp với lực lượng phòng vệ dân sự Singapore tổ chức các khóa tập huấn về công tác chữa cháy và CNCH (RCC) tại Singapore cho các học viên quốc tế của Việt Nam, Brunei và Bahrain, trong đó đã đào tạo cho Việt Nam 37 học viên; hợp tác với Nhật Bản trong tổ chức huấn luyện về công tác chữa cháy và CNCH tại C07 cho 20 học viên, đồng thời đã tiếp nhận 51 xe chữa cháy và CNCH đã qua sử dụng còn chất lượng tốt; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn về công tác PCCC và CNCH với Học viện PCCC Gyeonggi, Hàn Quốc về công tác tìm kiếm cứu nạn trong không gian hạn chế, chữa cháy và CNCH trên tàu điện ngầm, ứng phó với các tình huống thiên tai,… Hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về PCCC và CNCH, phòng thủ dân sự, lãnh đạo hai Bộ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực PCCC và CNCH; hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Trung Quốc nhằm phát triển chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng thực hiện công tác PCCC và CNCH; hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Hungary nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Tổng Cục PCCC và Quản lý thiên tai Hungary; hợp tác đa phương với Hội đồng Kiểm định phương tiện PCCC châu Á (AFIC) gồm 10 thành viên chính thức là các cơ quan, tổ chức thuộc Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Ngoài ra, AFIC còn có 02 quan sát viên là Viện Nghiên cứu thảm họa Mông Cổ và Cục PCCC và CNCH Malaysia… Trên nền tảng hợp tác các mỗi quan hệ sẵn có giữa Việt Nam với các quốc gia trên trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ đã giúp C07 tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của lực lượng cũng như tranh thủ tiếp thu, tiếp cận các nguồn lực, thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác PCCC và CNCH để vận dụng có hiệu quả vào điều kiện công tác tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được một cơ chế hợp tác quốc tế chung về cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, thảm họa ở các quốc gia mà chúng ta đã và đang có quan hệ đối tác chiến lược để các bên thống nhất thực hiện các mục tiêu chung thông qua việc xây dựng và triển khai những chiến lược, kế hoạch về cứu nạn, cứu hộ, từ đó có cơ chế hợp tác cụ thể khi tham gia cứu nạn, cứu hộ các sự cố, thảm họa quốc gia. Để xây dựng được cơ chế hợp tác quốc tế trong cứu nạn, cứu hộ giữa các quốc gia khi xảy ra sự cố, thảm họa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, cần tập trung làm tốt các nội dung sau: Một là, Bộ Công an chủ động phối hợp có hiệu quả với các Bộ ngành liên quan tiếp tục tham mưu có hiệu quả cho Ban bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chương trình hợp tác quốc tế cụ thể, mở rộng trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Hai là, tiếp tục khai thác, triển khai có hiệu quả các mối quan hệ sẵn có với các đối tác quốc tế, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an giao C07 tiếp tục phối hợp với V02 và các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động hợp tác, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác này nhằm tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ để nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, trước mắt, ưu tiên triển khai quan hệ hợp tác với một số đối tác như: Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga để tìm hiểu, nghiên cứu các nội dung xây dựng và vận hành trung tâm thông tin chỉ huy quốc gia về điều hành các hoạt động cảnh báo và ứng phó với các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn; Bộ Quản lý ứng phó khẩn cấp Trung Quốc; Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc; lực lượng phòng vệ dân sự Singapore (SCDF); các cơ quan triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản trong lĩnh vực PCCC, phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Croatia. Bà là, xây dựng nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan; tạo điều kiện phát triển đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ; cơ chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn; đầu tư, xây dựng trang thiết bị chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Bốn là, xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về cứu nạn, cứu hộ nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập ứng phó thảm họa, sự cố và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và thế giới. Qua đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tế khi ứng phó thảm họa, sự cố (bao gồm các tình huống kêu gọi quốc tế hỗ trợ Việt Nam và các tình huống Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ quốc tế khi có yêu cầu) nhằm huy động, kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực, cùng chung tay giải quyết vấn đề thiên tai, thảm họa, sự cố. Năm là, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường tiếp xúc, chia sẻ thông tin, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và mua sắm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, hiện đại, nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa… Sáu là, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, kịp thời đáp ứng các yêu cầu công tác trong tình hình mới, trước mắt tập trung thí điểm thành lập và tổ chức đào tạo, huấn luyện hiệu quả các Tổ Cảnh sát chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đặc biệt tinh nhuệ tại 10 địa phương sau (đó nhân rộng ra toàn quốc) để xây dựng lực lượng nòng cốt này thực sự là lực lượng chủ công sẵn sàng ứng phó, xử lý hiệu quả các tình huống thảm họa, sự cố lớn, phức tạp gây ra và đe dọa tính mạng của nhiều người, đồng thời lực lượng này cũng là lực lượng nòng cốt sẵn sàng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ quốc tế khi có yêu cầu./.

Chia sẻ:Share on Zalo

TIN TỨC LIÊN QUAN